Trung Nguyên - ông hoàng của ngành cafe Việt Nam. Mang trong mình niềm tự hào dân tộc, cái tên cafe Trung Nguyên đang tiến xa hơn trên thị trường thế giới, khẳng định chất lượng thương hiệu cafe Việt. Thành công của hãng có được ngày hôm nay thực sự đã khơi nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên sân chơi lớn quốc tế.
Vì đâu mà Trung Nguyên gây dựng được sự nghiệp lớn như vậy?
Ngành nông nghiệp Cà phê ở Việt Nam bắt đầu hình thành dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp vào thế kỷ 19, đến giữa những năm 1990, Việt Nam đã trở thành một trong ba nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngược lại với tiềm năng phát triển, hầu hết cà phê của Việt Nam đều có chất lượng thấp và giá xuất khẩu không cao. Không chấp nhận thực trạng đó, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ lúc ấy chỉ là chàng thanh niên trẻ nung nấu quyết tâm tìm lại “sự công bằng” cho những hạt cà phê Việt Nam. Không chấp nhận sự nhỏ bé, Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định sẽ xây dựng thương hiệu theo hướng sản phẩm cao cấp và đưa cafe xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu là một phần quan trọng của chiến lược phát triển được Trung Nguyên xác lập ngay từ đầu, nhưng Trung Nguyên không giống với những doanh nghiệp xuất khẩu khác, Trung Nguyên chỉ xuất khẩu những sản phẩm được chế biến riêng theo gu thưởng thức của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay Trung Nguyên đã xuất hiện hơn 50 quốc gia, chiếm lĩnh cả những thị trường khó tính như Singapore, Mỹ, Anh, Nhật, Úc...Con đường tìm kiếm chỗ đứng cho thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế chẳng dễ dàng từ những ngày đầu tiên nhưng lòng kiên trì và niềm tin vào chất lượng cafe đã chứng minh quyết định của ông là hoàn toàn chính xác.
Tận dụng yếu tố dân tộc mang ra thế giới
Văn hóa dân tộc là tài sản quý giá nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách tận dụng tài sản này. Đó là điểm khác biệt và tiến bộ của thương hiệu Trung Nguyên. Trung Nguyên định vị nhãn hiệu cà phê của mình như một phần văn hóa truyền thống Việt Nam. Họ đã thành công khi đưa giá trị và văn hóa quốc gia thổi hồn vào từng ly cafe “Ban Mê” thơm nồng và mang nó đến với bạn bè năm châu.
Logo mũi tên là hình ảnh cách điệu của nhà rông Tây Nguyên – nơi khơi nguồn của cà phê Trung Nguyên, hình mũi tên hướng thẳng lên trời thể hiện ý chí chinh phục đỉnh cao, khát vọng vươn lên, phát triển vượt bậc. Ba vạch trắng trên logo là hình ảnh cách điệu của lối lên nhà sàn, thể hiện văn hóa của công ty luôn muốn duy trì bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Bảng hiệu của Trung Nguyên với sắc nâu là chính vì đó là màu của đất, của cà phê, của cội nguồn dân tộc.
Xây dựng hình ảnh Trung Nguyên mang đậm nét văn hóa dân tộc, từ ly tách, bàn ghế, màu sắc bảng hiệu đến đồng phục, cung cách phục vụ,… Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa bản sắc văn hóa nước Việt vào từng dấu ấn thương hiệu một cách đầy tinh tế và tự hào.
Thế mạnh của Trung Nguyên trên thị trường hiện nay là mặt hàng đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Trung Nguyên đã tạo ra một chuỗi sản phẩm đa dạng được thể hiện ở ba dòng sản phẩm riêng biệt là sản phẩm phổ thông, trung cấp và cao cấp. Chỉ riêng những sản phẩm của cà phê G7 cũng đã rất phong phú như: G7 hòa tan 3in1, G7 hòa tan 2in1, G7 Gu mạnh, G7 hòa tan đen, G7 Capuchino, G7 Passiona…
Cafe Chồn nổi tiếng….
Sản phẩm nổi tiếng nhất của Trung Nguyên là cafe chồn (Weasel), một loại cafe đắt và cũng hiếm nhất thế giới để xuất khẩu sang các nước phát triển. Sản phẩm tinh tế, đẳng cấp này được bộ ngoại giao làm quà tặng cho các Nguyên thủ quốc gia và chọn làm đại sứ ngoại giao văn hóa.
Chiến lược thương hiệu luôn cần thiết và góp phần vào thành công to lớn của Trung Nguyên ngày nay. Ông Hoàng cafe Trung Nguyên đã thành công bằng cách đó - ý chí đó - sản phẩm đó.